Các điều khoản chính Công_ước_Quốc_tế_về_xóa_bỏ_tất_cả_các_hình_thức_Phân_biệt_chủng_tộc

Định nghĩa "phân biệt chủng tộc"

Lời mở đầu của Công ước tái khẳng định phẩm giá và sự bình đẳng trước pháp luật thông qua trích dẫn Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và lên án chủ nghĩa thực dân thông qua trích dẫn Tuyên ngôn về việc trao độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa, Tuyên ngôn về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, đồng thời trích dẫn Công ước ILO về việc làm và nghề nghiệp (C111) và Công ước chống phân biệt đối xử trong giáo dục.

Điều 1 của Công ước định nghĩa "phân biệt chủng tộc" là:

... bất kỳ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hay ưu đãi dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, hay nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc có mục đích hay hậu quả là làm vô hiệu hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến việc công nhận, thụ hưởng hoặc thực hành, một cách bình đẳng, các quyền con người và tự do căn bản trong các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa hay bất kỳ khía cạnh nào khác trong đời sống công.[22]

Sự khác biệt thực hành trên cơ sở tư cách công dân (nghĩa là giữa công dân và người không công dân) được loại trừ khỏi định nghĩa một cách cụ thể, cũng như các chính sách phân biệt đối xử tích cực và các biện pháp khác được thực hiện để khắc phục sự mất cân bằng và thúc đẩy bình đẳng.[23]

Định nghĩa này không phân biệt giữa phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc và phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, một phần vì sự khác biệt giữa sắc tộc và chủng tộc vẫn còn gây tranh cãi giữa các nhà nhân loại học.[24] Việc đưa vào khái niệm dòng dõi là để chỉ sự phân biệt đối xử trên cơ sở đẳng cấp và các hình thức khác mang tính thừa hưởng.[25]

Công ước áp dụng với việc phân biệt đối xử không cần phải nghiêm ngặt dựa trên chủng tộc hoặc sắc tộc. Thay vào đó, một hành động hoặc chính sách cụ thể có mang tính phân biệt đối xử hay không được đánh giá bởi tác động của nó.[26]

Để xác định liệu một hành động có ảnh hưởng trái với Công ước hay không, cần xem xét liệu hành động đó có ảnh hưởng khác biệt không chính đáng đối với một nhóm được đặc trưng bởi chủng tộc, màu da, dòng dõi, nguồn gốc quốc gia hay dân tộc..[26]

Câu hỏi liệu một cá nhân thuộc về một nhóm chủng tộc cụ thể sẽ được quyết định bằng cách tự nhận dạng, trừ khi có một sự biện minh ngược lại.[27]

Phòng chống phân biệt đối xử

Điều 2 của Công ước lên án phân biệt chủng tộc và bắt buộc các bên phải "cam kết theo đuổi bằng mọi cách thích hợp và không chậm trễ chính sách xóa bỏ phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức".[6] Nó cũng bắt buộc các bên phải thúc đẩy sự hiểu biết giữa tất cả các chủng tộc. Để đạt được điều này, Công ước yêu cầu các bên ký kết:

  • Không thực hành phân biệt chủng tộc trong các tổ chức công [28]
  • Không "bảo trợ, bảo vệ hoặc hỗ trợ" phân biệt chủng tộc [29]
  • Xem lại các chính sách hiện có và sửa đổi hoặc thu hồi những chính sách gây ra hoặc duy trì sự phân biệt chủng tộc [30]
  • Cấm "bằng mọi cách thích hợp, bao gồm cả pháp luật", phân biệt chủng tộc do các cá nhân và tổ chức gây ra phạm vi quyền hạn của họ [31]
  • Khuyến khích các nhóm, phong trào và các phương tiện khác giúp loại bỏ các rào cản giữa các chủng tộc và ngăn chặn sự phân chia chủng tộc [32]

Các bên có nghĩa vụ "khi hoàn cảnh bảo đảm" sử dụng các chính sách phân biệt đối xử tích cực cho các nhóm chủng tộc cụ thể để đảm bảo "hưởng thụ đầy đủ và bình đẳng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản".[33] Tuy nhiên, các biện pháp này phải là hữu hạn và "trong mọi trường hợp sẽ không đòi hỏi phải duy trì các quyền mang tính bất bình đẳng hoặc riêng biệt cho các nhóm chủng tộc khác nhau sau khi đạt được các mục tiêu mà chúng đã đề ra".

Điều 5 mở rộng nghĩa vụ chung của Điều 2 và tạo ra một nghĩa vụ cụ thể về bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi người bất kể "chủng tộc, màu da, hoặc nguồn gốc quốc gia hay dân tộc".[34] Điều 5 cũng liệt kê các quyền cụ thể mà quyền bình đẳng này phải được áp dụng: đối xử bình đẳng trước tòa án và các phiên xét xử,[35] quyền an ninh cá nhân và không phải chịu bạo lực,[36] các quyền dân sự và chính trị được khẳng định trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị,[37] các quyền kinh tế, xã hội và các quyền văn hóa đã được khẳng định trong Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa [38] và quyền tiếp cận vào bất kỳ địa điểm hoặc dịch vụ công nào, "chẳng hạn như khách sạn, giao thông, nhà hàng, quán cà phê, nhà hát và công viên." [39] Danh sách này không phải là một danh sách đóng, và nghĩa vụ này mở rộng cho tất cả các quyền con người.[40]

Điều 6 quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ cung cấp "sự bảo vệ và biện pháp khắc phục hiệu quả" thông qua tòa án hoặc các thiết chế khác cho bất kỳ hành vi phân biệt chủng tộc nào.[41] Điều này bao gồm quyền có biện pháp khắc phục pháp lý và khắc phục thiệt hại phải chịu do phân biệt đối xử.

Lên án phân biệt chủng tộc

Điều 3 lên án sự phân biệt chủng tộcphân chia theo chủng tộc và bắt buộc các bên phải "ngăn chặn, ngăn cấm và xóa bỏ" các thực hành này trong các lãnh thổ thuộc thẩm quyền của họ.[42] Điều 3 được củng cố thêm qua việc công nhận apartheid là tội ác chống lại nhân loại trong Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế.[43]

Ủy ban về xóa bỏ phân biệt chủng tộc quan niệm rằng điều 3 cũng đưa ra nghĩa vụ giải quyết hậu quả của các chính sách phân biệt trong quá khứ và ngăn chặn sự phân biệt chủng tộc phát sinh từ hành động của các cá nhân.[44]

Cấm kích động

Điều 4 của Công ước lên án việc tuyên truyền và các tổ chức cố gắng biện minh cho sự phân biệt đối xử hoặc dựa trên ý tưởng về chủ nghĩa siêu chủng tộc.[7] Nó buộc các bên, "với tầm quan trọng của các nguyên tắc được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát", áp dụng "các biện pháp tích cực và ngay lập tức" để xóa bỏ các hình thức kích động và phân biệt đối xử này. Cụ thể, nó buộc các bên phải hình sự hóa phát ngôn thù ghét, tội phạm thù ghét và tài trợ cho các hoạt động phân biệt chủng tộc,[45] và cấm và hình sự hóa việc gia nhập các tổ chức "thúc đẩy và kích động" phân biệt chủng tộc.[46] Một số quốc gia thành viên có bảo lưu điều khoản này và diễn giải điều khoản này là không cho phép hoặc không yêu cầu các biện pháp có thể vi phạm các quyền tự do ngôn luận, hiệp hội hoặc hội họp.[47]

Ủy ban về xóa bỏ phân biệt chủng tộc coi điều khoản này là nghĩa vụ bắt buộc của các quốc gia tham gia Công ước,[48] và đã nhiều lần chỉ trích các thành viên vì đã không tuân thủ.[49] Ủy ban cho rằng nghĩa vụ này nhất quán với các quyền tự do về quan điểm và biểu đạt đã được khẳng định trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị[50] và lưu ý rằng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã cụ thế việc đưa ra ngoài vòng pháp luật việc kích động phân biệt chủng tộc, thù hận và bạo lực.[51] Ủy ban xem các điều khoản là cần thiết để ngăn chặn bạo lực chủng tộc có tổ chức và "khai thác mang tính chính trị đối với sự khác biệt sắc tộc".[52]

Thúc đẩy sự khoan dung

Bài chi tiết: Bao dung

Điều 7 bắt buộc các quốc gia thành viên phải áp dụng "các biện pháp tức thời và hiệu quả", đặc biệt là trong giáo dục, để chống lại định kiến chủng tộc và khuyến khích sự hiểu biết và khoan dung giữa các nhóm chủng tộc, dân tộc và quốc gia khác nhau.[53]

Cơ chế giải quyết tranh chấp

Các điều từ 11 đến 13 của Công ước thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên. Một bên tin rằng một bên khác không thực hiện Công ước có thể khiếu nại lên Ủy ban về xóa bỏ phân biệt chủng tộc.[54] Ủy ban sẽ chuyển khiếu nại và nếu không giải quyết được giữa hai bên, có thể thành lập Ủy ban Hòa giải có tính lâm thời để điều tra và đưa ra khuyến nghị về vấn đề tranh chấp.[55] Thủ tục này đã được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2018 cho trường hợp Qatar khiếu nại Ả Rập Saudi và UAE [56] và Palestine khiếu nại Israel.[57]

Điều 22 cho phép mọi tranh chấp về việc giải thích hoặc áp dụng Công ước được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế.[58] Điều khoản này đã được viện dẫn ba lần, bởi Georgia đối với Nga,[59] bởi Ukraine đối với Nga,[60] bởi Qatar đối với UAE.[61]

Cơ chế khiếu nại cá nhân

Điều 14 của Công ước thiết lập một cơ chế khiếu nại cá nhân tương tự như Nghị định thư không bắt buộc đầu tiên đối với Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, Nghị định thư không bắt buộc đối với Công ước về quyền của người khuyết tậtNghị định thư không bắt buộc đối với Công ước về xóa bỏ Tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Bất cứ lúc nào, các quốc gia thành viên có thể công nhận thẩm quyền xem xét khiếu nại của cá nhân hoặc các nhóm của Ủy ban về xóa bỏ phân biệt chủng tộc để, khi các cá nhân hoặc các nhóm này thấy quyền của họ theo Công ước đã bị vi phạm.[62] Các quốc gia thành viên có thể thành lập các cơ quan trong nước để nghe khiếu nại trước khi các khiếu nại được chuyển lên Ủy ban.[63] Người khiếu nại phải sử dụng hết tất cả các biện pháp khắc phục trong nước và các khiếu nại nặc danh, các khiếu nại liên quan đến các sự kiện xảy ra trước khi quốc gia liên quan tham gia Công ước sẽ không được tiếp nhận.[64] Ủy ban có thể yêu cầu thông tin và đưa ra khuyến nghị cho một bên.

Cơ chế khiếu nại cá nhân đi vào hoạt động năm 1982, sau khi được mười quốc gia thành viên chấp nhận.[65] Tính đến năm 2010, 58 quốc gia đã công nhận thẩm quyền tiếp nhận khiếu nại cá nhân của Ủy ban,[2] và 54 trường hợp đã được Ủy ban xử lý.[66]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công_ước_Quốc_tế_về_xóa_bỏ_tất_cả_các_hình_thức_Phân_biệt_chủng_tộc http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/(Symbol)/09bca82e... http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/(Symbol)/18c91e92... http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/(Symbol)/3764f57b... http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/(Symbol)/3ae0a87b... http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/(Symbol)/464937c6... http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/(Symbol)/5786c74b... http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/(Symbol)/6715d3bd... http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/(Symbol)/8b3ad72f... http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/(Symbol)/9aea5ab9... http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/(Symbol)/c5a2e04b...